VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Thanh tra Sở là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An (sau đây gọi tắt là Sở), do Giám đốc Sở quyết định thành lập theo quyền hạn được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Giám đốc Sở; đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các Phó giám đốc Sở trong từng lĩnh vực công tác theo sự phân công của Giám đốc Sở và có trách nhiệm chủ động phối hợp với các phòng, ban, bộ phận và các đơn vị thuộc Sở, đáp ứng yêu cầu công tác của Sở và cải cách hành chính. Thanh tra Sở có con dấu riêng.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra trình Giám đốc Sở duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Giám đốc Sở.
2. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở.
3. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về kế hoạch và đầu tư của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở.
4. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư theo quy định pháp luật.
5. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
6. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái với văn bản pháp luật được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra.
7. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Sở thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra; phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ trong các đơn vị đó.
8. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
9. Khi cần thiết, kiến nghị Giám đốc Sở điều động cán bộ, công chức của các đơn vị thuộc Sở tham gia Đoàn thanh tra.
10. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
11. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở.
12. Thanh tra sở có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Thanh tra nhà nước có liên quan khác để tránh chồng chéo và nâng cao hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
13. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và do Giám đốc Sở giao.
Tổ chức và biên chế
1.Tổ chức:
a. Thanh tra Sở gồm có Chánh Thanh tra và không quá 02 Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên.
b. Chánh Thanh tra: Trực tiếp giúp lãnh đạo Sở quản lý, tổ chức, triển khai các nhiệm vụ công tác được phân công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Khi Chánh Thanh tra đi vắng sẽ uỷ quyền cho Phó Chánh Thanh tra giải quyết công việc của Thanh tra sở.
c. Phó Chánh Thanh tra: Trực tiếp giúp Chánh Thanh tra, Lãnh đạo Sở quản lý, tổ chức, triển khai các nhiệm vụ công tác được phân công; chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra, trước Lãnh đạo Sở và trước pháp luật về các lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.
d. Thanh tra viên: Chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra, Lãnh đạo Sở và trước pháp luật về các nhiệm vụ công tác được phân công thực hiện.
e. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và thanh tra viên thực hiện theo quy định của pháp luật và UBND tỉnh về phân cấp quản lý cán bộ.
2. Biên chế:
Biên chế công chức của Thanh tra Sở do Giám đốc Sở quyết định trong tổng biên chế công chức của Sở được giao hàng năm.