Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022
Ngày 03/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2022 được kết nối trực tuyến đến các địa phương. Tại đầu cầu tỉnh Long An có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Lâm – UVBTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở ban ngành của tỉnh.

Chương trình phiên họp tập trung thảo luận các nội dung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tình hình phòng chống dịch COVID-19…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trong tháng 7, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu như: xung đột Nga - Ucraina; lạm phát tăng cao; nhiều nền kinh tế lớn thực hiện điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô và biên độ lớn; kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế lớn có nguy cơ suy thoái; giá cả thế giới một số hàng hóa có dấu hiệu hạ nhiệt như giá xăng dầu, một số nông sản quan trọng (lúa mì, gạo, ngô, đậu tương...) nhưng vẫn ở mức cao. Ở trong nước, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn bủa vây của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt; nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện, nước, học phí, giá sách giáo khoa, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý… Nhờ đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững; lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra; áp lực chi phí đầu vào được giảm đáng kể; hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển KTXH, ổn định và cải thiện đời sống người dân, nhất là người thu nhập thấp; tình hình KTXH tháng 07 và 07 tháng năm 2022 của cả nước đạt được nhiều kết quả tích cực.

- Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực: Chỉ số CPI của tháng 07 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước; cân đối NSNN được bảo đảm ở mức khá, trong đó, thu NSNN 7 tháng ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 ước tăng 6,1%, tính chung 07 tháng tăng 14,8% so với cùng kỳ.

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có bước phát triển: Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 07 tháng tăng 16% so với cùng kỳ.

- Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 7 tháng đầu năm lần đầu đạt trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, trú trọng. Quốc phòng an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, …

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng mặc dù đạt được những thành tựu cơ bản, song còn nhiều vấn đề không thể chủ quan như: áp lực và nguy cơ lạm phát hiện hữu; giá cả các mặt hàng chiến lược biến động; giải ngân đầu tư công đạt thấp; một số nội dung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt yêu cầu… Thời gian tới có cả thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó nhiệm vụ tháng 8 và những tháng tiếp theo còn rất nặng nề, do đó đề nghị các thành viên chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan của thành tựu, đặc biệt là khó khăn, hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ. Thủ tướng chỉ rõ, việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trên tinh thần 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không, cụ thể:

- 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

- 3 nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vắc xin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

- 2 nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công.

- 1 tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

- 1 kiên quyết không là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, hiệu quả, chắc chắn.

Hòa nhịp cùng với đà phục hồi kinh tế đất nước; ngay từ cuối năm 2021, tỉnh Long An đã thực hiện hiệu quả mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Đến đầu năm 2022, Tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Chương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, với quyết tâm tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, các chỉ số kinh tế quan trọng trong 7 tháng đầu năm của tỉnh đều có mức tăng so với cùng kỳ; hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, như:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,11% (cùng kỳ tăng 5,22%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 20,31% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đầu năm tăng 7,14%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 75,9%; lũy kế 7 tháng đầu năm tăng 15,75%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 tăng 33,8%; xuất khẩu 7 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ.

- Trong 7 tháng đầu năm, thành lập mới 1.042 doanh nghiệp với tổng số vốn 14.988 tỷ đồng, tăng 7% và giảm 29,6% về số vốn đăng ký. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả khá tốt, đạt 13.432 tỷ đồng, đạt 77,4% dự toán, tăng 13,9%, trong đó thu nội địa 10.894 tỷ đồng, đạt 80,1% dự toán, tăng 19,8%. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đời sống người dân, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người nghèo được cải thiện và tiếp tục nâng lên.

- Kế hoạch đầu tư công năm 2022 Trung ương giao 6.842,962 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh Long An đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 7.147,061 tỷ đồng (giao cao hơn Trung ương giao 304,099 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022). Tính đến hết tháng 7, giá trị giải ngân 2.695,551 tỷ đồng, đạt 37,7% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ giải ngân 40,5% kế hoạch) nhưng cao hơn mức trung bình của cả nước (tỷ lệ giải ngân của cả nước là 30,91% kế hoạch).

- Về tiến độ giao vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cho tỉnh Long An ngày 28/5/2022; UBND tỉnh Long An đã giao các sở ngành tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh phương án phân bổ vốn để trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định. Ngày 13/7/2022 HĐND tỉnh đã ban hành 04 Nghị quyết thống nhất giao kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của 02 Chương trình là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (tỉnh Long An không được giao vốn Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Thực hiện 04 Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành 04 quyết định giao vốn cho các chủ đầu tư thực hiện.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Long An xác định tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin; tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và phát triển sản xuất các sản phẩm mới thông qua việc kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tăng cường khuyến khích tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa sản xuất trong nước theo phương châm: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

- Bên cạnh phục hồi kinh tế, tỉnh tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, an dân, khôi phục và ổn định thị trường lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường, giữ vững quốc phòng an ninh.

Lê Văn Thạo


Lê Văn Thạo
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1