Vướng mắc khi thực hiện Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
Nghị định 30/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2015, tuy nhiên đến nay quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc không chỉ riêng Long An mà hầu như trên địa bàn cả nước. Các vướng mắc tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, theo Điều 1 Nghị định 30/2015/NĐ-CP về hạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: "1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Luật Đấu thầu, bao gồm:
a) Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của Chính phủ về đầu tư PPP;
b) Dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định này để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này". Tuy nhiên, quy định, hướng dẫn xác định thế nào là khu dất, quỹ đất có giá trị thương mại cao thì hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định, hướng dẫn; đây là tiêu chí khá cảm tỉnh chưa có định lượng cụ thể.
Thứ hai, theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP sau khi trúng thầu, nhà đầu tư sẽ đàm phán với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ký hợp đồng triển khai dự án, trong đó có công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án và nhà đầu tư sẽ ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để nhà nước bồi thường. Theo quy định tại khoàn 2 Điều 118 Luật Đất đai 2014 quy định đối với các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì không có trường hợp dự án đã thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp dự án đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư ứng tiền để nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng đến khi giao đất, cho thuê đất phải tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất, nhà đầu tư trúng thầu dự án có thể không trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Pháp luật về đầu tư, đất đai chưa thống nhất về nội dung này.
Thứ ba, có thể trong cùng một dự án có phần diện tích là đất do nhà nước đang quản lý (đất công) và đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng, đồng thời dự án thuộc đối tượng đấu thầu của Nghị định 30/2015/NĐ-CP thì hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn phải thực hiện như thế nào (có tách bạch 02 phần để 01 phần là đất công thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và 01 phần đất của dân để thực hiện đấu thầu hay không). Nếu tiến hành đồng thời đấu giá và đấu thầu có thể dẫn đến trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất công nhưng không trúng đấu thầu phần dự án mà đất do người dân đang sử dụng.
Với các vướng mắc trên, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 317/TB-VPCP ngày 07/9/2019 và Thông báo số 344/TB-VPCP ngày 27/9/2019 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (thay thế Nghị định số 30) và một số vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát dự thải Nghị định, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng mục tiêu phát triển, công khai, minh bạch, hiệu quả; khắc phục thất thoát, lãng phí, đặc biệt là tài nguyên đất đai./.
Thái Văn Thắng