Sáng ngày 19/4/2021, tại Hội trường Thống Nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tổ chức Tọa đàm "Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao”. Đây là bước ngoặt quan trọng để Long An từng bước trở thành trung tâm phát triển kinh tế công nghệ cao mang tầm khu vực; là tiền đề kết nối, thu hút các nhà đầu tư “đại bàng” trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, viễn thông, tài chính lớn trên thế giới. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự và phát biểu tại Tọa đàm.
Tọa đàm còn có sự tham dự của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam - Park Noh Wan; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Cao Huy; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI; Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam; Tùy viên Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội cùng đại diện của Liên Hiệp hội người Hàn tại Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc KOCHAM; Văn phòng Xúc tiến Thương mại & Đầu tư Hàn Quốc KOTRA; Các Tập đoàn đầu tư của Hàn Quốc; các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Hoa Kỳ; Cộng hòa Liên bang Đức; Ấn Độ; các quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Hong Kong và Thái Lan.
Tọa đàm cũng nhận được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Tháp, Phú Yên; Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, Khu công nghiệp các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên, Thái Nguyên, Hải Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

Hình 1- Quang cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ qua, Long An đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 9,11%/năm; riêng năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Long An vẫn giữ tăng trưởng dương ở mức khá cao - đạt 5,91%, bằng gấp đôi mức tăng trưởng chung của cả nước.
Để thực hiện khát vọng "Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", tỉnh Long An đang khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Long An định hướng hình thành Khu kinh tế công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị thông minh để thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao. Với bản quy hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn này sẽ tạo sự đột phá, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư ngành nghề công nghệ cao như: Điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với phát triển nền kinh tế số; tập trung thu hút đầu tư để hình thành các trung tâm logistics tại các địa bàn tiềm năng như: Bến Lức, Cần Giuộc… Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để Long An phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Trong bài phát biểu tại Toạ đàm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định: Long An hoàn toàn có đủ cơ hội, lợi thế cho phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng, để hoàn thành mục tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đưa doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng phát triển bền vững với việc triển khai các chính sách quan trọng. Chính phủ sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ Long An phát triển đúng định hướng, khai thác được tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, tạo bước đột phát để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững.

Hình 2 – Phó Thủ trướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự và phát biểu tại Tọa đàm
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Long An cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để đề ra các định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, trong đó, tỉnh cần chú trọng phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh cần xác định các ngành mũi nhọn, có lợi thế để tập trung phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, điện tử viễn thông, dịch vụ logistics; Đối với nông nghiệp cần phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất; đồng thời gợi ý, cần xác định phát triển kinh tế công nghệ cao rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, Long An cần phải nhanh chóng hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khai thác tốt lợi thế bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ phát triển.

Hình 3 - Tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao tỉnh Long An
Buổi Tọa đàm dành nhiều thời gian để các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi, phân tích về tiềm năng, thảo luận về các điều kiện và định hướng phát triển tỉnh Long An trở thành vùng kinh tế công nghệ cao mang tầm cỡ khu vực, bao gồm phát triển khu công nghệ cao gắn liền với xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số.

Hình 4-Đại diện Tỉnh Long An ký kết các thỏa thuận ghi nhớ và hợp đồng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, tài chính
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Long An đã ký kết 10 biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn để "bứt phá" trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội một cách hiệu quả, bền vững, mang tính tổng hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực của tỉnh.
Tọa đàm "Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao" nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về định hướng phát triển và thu hút đầu tư vào vùng kinh tế công nghệ cao Long An. Kỳ vọng, sau Tọa đàm sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, đề án, dự án thiết thực, khả thi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đưa Long An phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với đội ngũ nhân lực chất lượng cao; hướng đến xây dựng Long An trở thành đô thị thông minh, đáng sống./.
Ánh Hồng