Hội nghị Phổ biến thông tin về một số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia
24/03/2016
Hiệp định thương mại tự do
Sáng ngày 18/01/2016, Bộ Công thương và Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và
thương mại quốc tế phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị "Phổ biến
thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia" tại Nhà khách Văn phòng
Thành Ủy Cần Thơ.
Hội nghị
nhằm cung cấp thông tin một cách bao quát và có hệ thống tới các cơ quan quản
lý và doanh nghiệp phía Nam về những nội dung chủ yếu trong các hiệp
định thương mại. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, nguyên tắc của TPP là đưa thuế
nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm
nhất, có thể áp dụng hình thức giảm thuế một phần hoặc hình thức hạn ngạch thuế
quan (cho phép nhập khẩu miễn thuế một lượng hàng hóa nhất định với điều kiện
là phải được 11 nước còn lại chấp nhận). Việt Nam đồng ý với nguyên tắc này,
thuế nhập khẩu của Việt Nam về cơ bản được giảm về 0% theo lộ trình. Tuy nhiên,
ngoài các thuận lợi cho xuất nhập khẩu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với
các sức ép cạnh tranh bởi Hiệp định Thương mại tự do cam kết mở cửa cho
hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực đầu tư của nước ngoài đặt ra cho các doanh nghiệp
Việt Nam nói chung phải có thời gian để ứng phó.
Hội nghị cũng đã thông tin tới các đại biểu tham dự một cách khái quát
về hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên nền tảng thương mại tự do, trong
đó đề cập đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với
Liên minh Châu Âu, những tác động tới Việt Nam. Đây là những FTA có tầm
quan trọng lớn, độ phủ rất cao; sự tham gia sâu của các cấp chính trị như có 30
phiên đàm phán chính thức với nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự.
Về Hiệp định Thương mại
tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN – EAEU FTA) là hiệp định có ý nghĩa chiến
lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế
Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Theo đó, đối với các cam
kết về hàng hóa, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng
hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng trên 90% kim ngạch thương
mại song phương. Về phía Liên minh Kinh tế Á - Âu, khu vực này dành cho Việt
Nam nhiều ưu đãi về thuế quan đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt
may, da giày, thủy sản. Phía Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình
cho Liên minh Kinh tế Á - Âu đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng
công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải...
Trần Thị Ánh Hồng